Hồi tháng 6/ 2020, Tạp chí Bitcoin đã đưa tin về vụ dàn dựng đụng xe để bắt cóc, cướp 35 tỷ tại Long Thành – Dầu Giây.
Băng cướp gồm Hồ Ngọc Tài, 31 tuổi; Trần Ngọc Hoàng (37 tuổi, cùng ngụ Đà Nẵng); Nguyễn Văn Đức (24 tuổi, Đăk Lăk); Mai Xuân Phốt, 28 tuổi – thám tử tư; Trịnh Tuấn Anh (35 tuổi); Bùi Quang Chung (24 tuổi); Trương Chí Hải (31 tuổi, cùng ngụ TP HCM).
Vào thời điểm đó, Cục Cảnh sát Hình sự (C02, Bộ Công an) đã bắt 16 bị can, trong đó có 7 người trong băng giang hồ thuộc nhiều tỉnh thành để điều tra hành vi Cướp tài sản. Nhóm này khai nhận cùng nhau bàn bạc, mỗi người một việc và không có người cầm đầu.
Truy tố 16 bị can
Ngày 5/6/2021, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an cho biết đã hoàn tất điều tra, đề nghị VKSND Tối cao truy tố Hồ Ngọc Tài, Trần Ngọc Hoàng và 14 bị can khác về tội Cướp tài sản.
Trong số 16 bị can, Nguyễn Quốc Dũng và Nguyễn Anh Tuấn là các cựu cán bộ của Công an TP.HCM.
Theo cơ quan điều tra, năm 2016, Tài cùng Hoàng và anh Nguyên (nạn nhân trong vụ án, 33 tuổi, trú TP.HCM) tham gia đầu tư Bitcoin nên quen biết nhau. Hai năm sau đó, việc kinh doanh tiền mã hóa thua lỗ.
Cho rằng anh Nguyên là người định hướng đầu tư dẫn đến thua lỗ, Tài và Hoàng yêu cầu anh Nguyên trả lại cho họ 1.000 Bitcoin bị lỗ nhưng nạn nhân từ chối.
7 trong số 16 bị can của vụ án. Ảnh: Công an cung cấp.
Tháng 4/2020, Tài bỏ ra 75 triệu đồng để thuê Mai Xuân Phốt và Trịnh Tuấn Anh cùng các bị can khác truy tung tích và nơi ở của anh Nguyên. Sau khi tìm ra đối phương, Tài và Hoàng đi từ Đà Nẵng vào TP.HCM rồi cùng các bị can lên kế hoạch gây án.
Ngày 12/5/2020, nhóm của Tài dùng xe máy chặn ôtô của Nguyên để đòi tiền nhưng bất thành. Đến ngày 17/5, Phốt phát hiện anh Nguyên cùng người thân di chuyển từ tỉnh Lâm Đồng về TP.HCM nên báo cho nhóm của Tài mai phục.
Khi xe của anh Nguyên lưu thông về hướng trạm thu phí Dầu Giây, toán cướp ngồi trên 3 ôtô đuổi theo. Trên đường di chuyển, nhóm thứ nhất tạo dựng vụ va chạm với xe của nạn nhân.
Thấy anh Nguyên dừng xe và mở cửa, nhóm thứ 2 dùng ôtô chặn đầu. Nhóm còn lại dùng súng bắn đạn bi và kim tiêm bôi mực đỏ để khống chế bị hại cùng một số thành viên gia đình rồi ép nạn nhân đi về hướng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Đến địa phận huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, Hoàng yêu cầu anh Nguyên mở điện thoại để chuyển khoản tiền ảo các loại. Tài còn ép đối phương gọi điện cho người thân để chuyển 1.000 Bitcoin nhưng không thành công.
Khẩu súng bắn đạn bi liên quan vụ án. Ảnh: Công an cung cấp.
Sau khi cướp được số tiền ảo tương đương 35 tỷ đồng, Tài và các bị can đưa anh Nguyên cùng gia đình về TP Thủ Đức rồi bỏ lại đó. Trước khi trốn thoát, nhóm cướp lấy đi camera hành trình và 3 điện thoại của các nạn nhân.
Cục Cảnh sát hình sự cáo buộc số tiền Tài và các bị can chuyển đổi từ Bitcoin sang Việt Nam đồng là gần 19 tỷ. Sau khi chia cho đồng bọn, Tài giữ lại hơn 5 tỷ. Còn khoảng 80 Bitcoin đang lưu giữ trong ví điện tử.
Ngày 21/5/2020, anh Nguyên gửi đơn trình báo việc bị cướp tài sản trên cao tốc đến cơ quan điều tra. Từ ngày 21/6/2020, Tài và các bị can lần lượt bị bắt giữ.
“Doanh nhân” bị dàn cảnh, cướp tiền là ai?
Nạn nhân của vụ cướp này không xa lạ với giới đầu tư tiền ảo – dù tiền ảo không được Ngân hàng Nhà nước công nhận và đã không ít lần đưa ra cảnh báo – đó chính là Lê Đức Nguyên (tự xưng Lucas, SN 1988, quê Bình Định, ngụ tại Q.2), một ông trùm tiền ảo nổi lên từ năm 2016 với vai trò là người sáng lập sàn tiền ảo Bitkingdom để lôi kéo hàng chục nghìn người khác.
Ông Lê Đức Nguyên hay còn gọi là Lucas, trước đây là diễn giả, kêu gọi đầu tư vào đồng tiền ảo Bitkingdom
Năm 2016, Lê Đức Nguyên nổi lên là vai trò thủ lĩnh trong những buổi thuyết trình để kêu gọi những “con thiêu thân” đầu tư vào sàn tiền ảo Bitkingdom với lời hứa hẹn giúp người chơi sớm trở thành những “triệu phú đô la”.
Với những chiêu trò giống hết mô hình đa cấp biến tướng, Bitkingdom của Lê Đức Nguyên đã bị các phương tiện truyền thông vạch mặt. Tuy nhiên, tâm lý ham giàu, mong được giàu nhanh từ những lời hứa hẹn của Nguyên khiến hàng không ít người đổ tiền vào đồng tiền ảo này rồi rơi vào cảnh trắng tay.
“Chỉ cần đầu tư số vốn khoảng 10 triệu đồng, bạn sẽ có cơ hội kiếm được 100 tỷ sau 3 năm”, “Bitkingdom là một trung tâm cộng đồng toàn cầu… có sứ mệnh “trao quyền cho cộng đồng – kết thúc nghèo”, “Khi đầu tư 10 triệu tương ứng 1 bitcoin, sẽ được lợi nhuận 1%/ngày, 30%/tháng, sau 30 ngày, bạn có thể rút cả gốc lẫn lãi về” – là những lời nói hoa mỹ của Lê Đức Nguyên và cộng sự khiến bao người mờ mắt.
Cho đến khi sàn Bitkingdom bị sập vào năm 2018, ước tính có 32.000 người sập bẫy với số tiền lên đến 15.000 tỷ đồng. Còn Lê Đức Nguyên và cộng sự ôm tiền lặn mất tăm và chỉ lộ mặt sau khi xảy ra vụ cướp 35 tỷ đồng như đã nói trên.
Nhóm đối tượng gây án vốn mất khá nhiều tiền trong đầu tư nên cay cú vì cho rằng ông Đ.N là một trong những người chiếm đoạt tiền của họ.
- Vụ dàn dựng đụng xe để bắt cóc, cướp 35 tỷ tại Long Thành – Dầu Giây, nạn nhân là người kinh doanh tiền điện tử
- Vụ cướp 35 tỷ từ ông chủ Bitkingdom: Một số cựu cán bộ công an bị bắt
Annie
Nguồn: T/H