Các nhà đầu tư tiền điện tử có vẻ như đang bước vào chu kỳ giảm giá dài nhất trong lịch sử. Ngay cả những nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm cũng đang cảm thấy khó khăn trong chu kỳ gấu hiện tại, nhưng liệu thị trường đã chạm đáy trong năm nay chưa?
Trước tiên, hãy cùng Tạp Chí Bitcoin nhìn lại các chu kỳ gấu khác trong quá khứ.
Bitcoin tiếp tục bước vào chu kỳ gấu
Được tạo ra cách đây hơn 13 năm, tính đến tháng 2/2017, Bitcoin đã nắm giữ 95% thị phần không gian tiền điện tử và sau đó đã giảm xuống còn khoảng 40% vào tháng 9/2022.
Điều này có thể thay đổi khi Ethereum hoàn thành quá trình chuyển đổi từ cơ chế proof-of-work sang proof-of-stake. Tuy nhiên, ngay cả khi tỷ lệ thống trị của Bitcoin dưới ngưỡng 50%, nó vẫn là loại tiền điện tử lớn nhất thị trường và vào thời điểm hiện tại, không gian crypto vẫn đang “di chuyển” theo sau BTC.
Vì lý do này, điều quan trọng là phải xem các chu kỳ gấu trước đó đã kéo dài bao lâu. Lưu ý rằng một loại tài sản phải giảm ít nhất 20%, theo sau là tâm lý thị trường rất tiêu cực, để tạo thành thị trường gấu.
- Vào tháng 6/2011, Bitcoin đã trải qua cuộc hỗn loạn đầu tiên, khi giảm từ $ 32 xuống còn $ 2. Thời gian kéo dài: 163 ngày với mức giảm -93%.
- Vào tháng 11/2013, Bitcoin gặp sự cố lần thứ hai. Sau khi lần đầu vượt qua cột mốc $ 1.000, thị trường đã quay đầu giảm xuống còn $ 230. Thời gian kéo dài: 410 ngày với mức giảm -86%.
- Đến tháng 1/2017, Bitcoin đã đạt mức $ 20.000, nhưng sau đó đã giảm mạnh vào tháng 12/2018 xuống còn $ 3.200. Thời gian kéo dài: 411 ngày với mức giảm -82%.
- Sau khi phục hồi về mốc $ 20.000 trước đó, Bitcoin đã chạm đến $ 63.000 vào tháng 4/2021. Nhưng ngay sau đó, nó lại tiếp tục trượt dài xuống vùng $ 29.000. Thời gian kéo dài: 90 ngày với mức giảm -54%.
- Bitcoin đã thiết lập ATH mới vào tháng 11/2021 tại $ 68.700 và rồi nhiều lần giảm xuống dưới $ 20.000 trong năm 2022. Thời gian kéo dài: hơn 309 ngày với mức giảm -72% và hiện vẫn đang còn tiếp tục.
Mặc dù Bitcoin đã tạo ra một số đợt tăng giá hàng tháng/hàng tuần, nhưng chúng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, được thúc đẩy bởi việc các tổ chức lớn chấp nhật BTC hoặc cá voi tiến hành mua vào.
Thông thường, thị trường gấu trên thị trường chứng khoán kéo dài trong 289 ngày. Do thị trường tiền điện tử chỉ là một phần nhỏ so với thị trường chứng khoán truyền thống, dự báo về sự kết thúc của thị trường gấu thứ 5 cũng cần tính đến các tác động từ nó.
Điều gì khiến tiền điện tử rơi vào thị trường gấu hiện tại?
Tổng vốn hóa thị trường tiền điện tử đã giảm 53% trong năm 2022 và điều này có liên quan đến việc quản lý tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Kể từ cuộc suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra, bắt đầu vào tháng 3/2020, Fed phát hành gói kích thích kinh tế 5 nghìn tỷ USD, mức kích thích lớn nhất trong lịch sử.
Trong khi một phần lượng thanh khoản này tìm đến tiền điện tử, DeFi và NFT, thì lạm phát cũng bắt đầu gia tăng mạnh. Fed đã thiết lập mục tiêu kép là giữ cho cả lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp. Sau khi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lên 8,5% vào tháng 3, Fed đã tiến hành nhiều đợt tăng lãi suất.
Vào tháng 3, Cục dự trữ liên bang Mỹ bắt đầu tăng lãi suất 25 điểm cơ bản. Tuy nhiên, với việc tăng gấp đôi lãi suất từ tháng 4 đến tháng 5, cả cổ phiếu và tiền điện tử đều đi vào vòng xoáy giảm mạnh. Thị trường tiền điện tử tiếp tục sụp đổ khi Fed tiến hành thêm hai lần tăng 75 điểm vào tháng 6 và tháng 7.
Các đợt tăng lãi suất của Fed đã khiến đồng USD trở nên mạnh hơn. Việc đồng bạc xanh có giá trị hơn đã có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế, điển hình là việc Sri Lanka vỡ nợ quốc gia do cạn kiệt dự trữ ngoại tệ.
Hơn nữa, sau khi châu Âu trừng phạt Nga, các nước này đã tự nhấn chìm mình vào một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, khiến lần đầu tiên sau 20 năm, đồng Euro giảm mạnh xuống dưới 1 USD. Với sự kiện này, luồng giao dịch Bitcoin đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.
Sự lạc quan tại các thị trường mới nổi
Có vẻ như thị trường tiền điện tử đang chịu sự quản lý của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, cụ thể là, hành động tăng lãi suất của ngân hàng trung ương đã gây ảnh hưởng nặng nề đến thị trường chứng khoán, đồng USD, cũng như thị trường crypto. Tuy nhiên, dựa trên báo cáo gần đây của Chainalysis về việc áp dụng tiền điện tử trên toàn cầu tại hơn 154 quốc gia, chỉ số chấp nhận cơ sở vẫn ở mức cao hơn so với thị trường tăng giá vào mùa hè 2020.
Dữ liệu cũng cho thấy rằng, nhiều nhà đầu tư lớn vẫn chưa thua lỗ. Điều này đang giúp thị trường không giảm thêm quá sâu. Thêm vào đó, các nhà đầu tư tại các quốc gia bị ảnh hưởng bởi lạm phát và giá USD tăng mạnh, đang có xu hướng tích trữ BTC.
Tuy nhiên, để có thể đưa thị trường thoát khỏi nanh vuốt của gấu, cần giáo dục người dùng hiểu rõ hơn về bảo mật lưu ký, cách sử dụng/mua tiền điện tử cũng như sự tin tưởng vào thị trường.
Theo khảo sát của Gemini, các nhà đầu tư và người dùng crypto tin tưởng vào các nguồn tài nguyên giáo dục hơn so với lời giới thiệu từ người quen.
Sự rõ ràng về quy định
Ngoài giáo dục, hơn một phần ba số người tham gia khảo sát đã nói rằng, quy định cũng là mối quan tâm lớn của họ. Điều này bao gồm việc xử lý thuế và phân loại tài sản kỹ thuật số là hàng hóa hoặc chứng khoán.
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đã tận dụng khoảng trống quy định, để đưa ra nhiều chính sách “thực thi”. Trong khi đó, Gary Gensler, Chủ tịch SEC, đã nhiều lần ám chỉ rằng chỉ có Bitcoin và Ethereum được xem là hàng hóa, ít chịu sự giám sát của CFTC.
“Trong số gần 10.000 token trên thị trường tiền điện tử, phần lớn là chứng khoán. Việc chào bán và bán hàng nghìn token chứng khoán này phải tuân theo luật chứng khoán”.
Sự sụp đổ của Terra (LUNA) được xem là “cơ hội” để các nhà lập pháp áp đặt các quy định nghiêm ngặt đối với tài sản kỹ thuật số, bao gồm hướng dẫn của FATF, khuyến nghị tất cả các giao dịch tiền điện tử phải được theo dõi và báo cáo.
Cho dù mang tính tích cực hay tiêu cực, bản thân sự rõ ràng về quy định sẽ loại bỏ rào cản lớn đối với việc áp dụng tiền điện tử trên toàn cầu. Theo sắc lệnh vào tháng 3 của Tổng thống Biden về “sự phát triển có trách nhiệm” của tài sản kỹ thuật số, 2023 có thể là năm quyết định đối với quy định trong không gian tiền điện tử.
Nếu có quy định rõ ràng, các tổ chức đầu tư lớn sẽ có khả năng bước chân vào thị trường.
Điển hình là BlackRock, nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới, xử lý khối lượng tài sản 9,4 nghìn tỷ USD, đã chọn Coinbase làm giao diện tiền điện tử cho hàng trăm ETF tiềm năng.
Game Play-to-earn (P2E) và NFT
Game P2E và NFT là những lĩnh vực song hành cùng với nhau. Trên thực tế, game blockchain có thể là động lực lớn nhất dành cho tài sản kỹ thuật số. Theo báo cáo của Chainalysis, Việt Nam đứng đầu trong số những quốc gia áp dụng tiền điện tử.
Việt Nam, cụ thể là Thành phố Hồ Chí Minh là quê hương của Sky Mavis, đội ngũ đứng sau Axie Infinity, game chiến thuật dựa trên NFT đã phá vỡ mọi kỷ lục doanh thu và tạo tiền đề cho các dự án game blockchain khác. Nhiều khu vực của Philippines cũng đã chứng kiến việc áp dụng game blockchain tăng trưởng mạnh mẽ.
Xu hướng này phù hợp với các khoản đầu tư trong quý 2/2022, trong đó crypto game chiếm 59% trong tất cả các dự án do VC tài trợ.
Về phía NFT, vào tháng 8, Meta, nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới, đã tích hợp tính năng Instagram NFT của mình tại hơn 100 quốc gia.
Thị trường tiền điện tử – góc nhìn toàn cảnh
Fed có thể đóng vai trò là ngân hàng trung ương của thế giới. Các công cụ của nó có khả năng gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến tính thanh khoản của nền kinh tế, đồng thời tác động đến chi phí sinh hoạt và vận hành doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong thế giới tiền điện tử, nhiều dự án sẽ không bị suy yếu do có sự hậu thuẫn từ nhiều VC, tích hợp blockchain doanh nghiệp và hợp nhất của các nền tảng Web2, Web3 (Twitter, Reddit, Meta,…). Ngay cả những quy định tiêu cực cũng có khả năng chuyển thành tích cực nếu xoá tan được những hoài nghi cũng như sự không chắc chắn trong không gian crypto.
- XRP “nốc ao” thị trường bán tháo để dẫn đầu tăng giá trong top 100
- Tether bị yêu cầu cung cấp hồ sơ tài chính liên quan đến bảo chứng USDT
- Dự đoán giá ETH năm 2025-2030: $50K trở nên thực tế sau The Merge?
Việt Cường
Tạp Chí Bitcoin