Maroc đang chuẩn bị hợp pháp hóa tài sản crypto sau khi ban hành lệnh cấm từ năm 2017, theo báo cáo của Reuters. Động thái này nhằm thiết lập một khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho các giao dịch và việc sử dụng tiền điện tử trong nước.
Abdellatif Jouahri, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Maroc (Bank Al Maghrib – BAM), tiết lộ rằng ngân hàng đang hoàn thiện một dự thảo luật điều chỉnh tài sản crypto, hiện đang trong giai đoạn xem xét và thông qua.
Song song với đó, BAM cũng đang nghiên cứu khả năng phát hành đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). Theo ông Jouahri, nhiều quốc gia trên thế giới đang đánh giá vai trò của CBDC trong việc thực hiện các mục tiêu chính sách công, đặc biệt trong việc tăng cường hòa nhập tài chính.
“Giống như nhiều quốc gia khác, chúng tôi đang xem xét tiềm năng đóng góp của CBDC trong việc đạt được các mục tiêu chính sách công, đặc biệt là thúc đẩy sự hòa nhập tài chính”.
Khác với các tài sản crypto phi tập trung, CBDC sẽ nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của ngân hàng trung ương, đảm bảo tính ổn định và minh bạch trong quản lý.
Theo Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), hiện có 134 quốc gia đang nghiên cứu và phát triển CBDC, tăng mạnh so với chỉ 35 quốc gia vào tháng 5 năm 2020. Trong số này, 66 quốc gia đã tiến tới các giai đoạn phát triển tiên tiến như thử nghiệm thí điểm, triển khai hoặc ra mắt chính thức. Đáng chú ý, tất cả các quốc gia thuộc G20 đều đang tham gia vào quá trình này, trong đó 19 quốc gia đã đạt đến giai đoạn nghiên cứu sâu.
Maroc áp đặt lệnh cấm giao dịch crypto vào năm 2017, với lý do lo ngại về các rủi ro liên quan, bao gồm việc sử dụng tài sản crypto trong các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền và tài trợ khủng bố. Vào thời điểm đó, Văn phòng hối đoái (Office des Changes) – cơ quan quản lý tiền tệ của Maroc – đã tuyên bố rằng các giao dịch liên quan đến tiền điện tử là bất hợp pháp và có thể bị xử phạt nghiêm khắc theo quy định hiện hành.
Bối cảnh pháp lý khi đó chịu ảnh hưởng bởi làn sóng hoài nghi toàn cầu về tiền điện tử, với nhiều quốc gia cảnh báo về sự không ổn định và rủi ro cao của loại tài sản này. Mặc dù vậy, người dân Maroc vẫn tiếp tục sử dụng tiền điện tử qua các kênh giao dịch không chính thức.
Trong khi đó, Bolivia, quốc gia đầu tiên ban hành lệnh cấm hoàn toàn đối với tiền điện tử, đã công bố kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm vào đầu năm nay nhằm hiện đại hóa hệ thống thanh toán. Tại đây, các tổ chức tài chính giờ đây được phép tham gia giao dịch liên quan đến tài sản kỹ thuật số.
Trung Quốc, một trong những nước đầu tiên hạn chế tiền điện tử từ năm 2013, đã áp dụng lệnh cấm toàn diện vào năm 2021. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) không chỉ cấm các tổ chức tài chính giao dịch với tài sản crypto mà còn cấm tất cả các giao dịch liên quan, bao gồm ICO và hoạt động của các sàn giao dịch trong nước.
Tham gia Telegram: https://t.me/tapchibitcoinvn
Twitter (X): https://twitter.com/tapchibtc_io
Tiktok: https://www.tiktok.com/@tapchibitcoin
- Nhật Bản sẽ nới lỏng thuế tiền điện tử theo gói kích thích mới
- Việc tuân thủ MiCA sẽ cuốn Châu Âu vào cơn sốt crypto
Ông Giáo
Theo CryptoBriefing