Danh tính thực sự của người sáng lập Bitcoin, Satoshi Nakamoto, là một bí ẩn kể từ khi coin bắt đầu được khai mở hơn một thập kỷ trước.
Trong 10 năm qua, rất nhiều người đã tuyên bố mình chính là Satoshi, nhưng những khẳng định này luôn gặp phải sự hoài nghi và không có bất kỳ bằng chứng xác đáng nào để chứng minh quan điểm của họ.
Việc này dường như đã xuất hiện trong vài tháng qua, một số người đã tiến xa hơn việc tự xưng là người sáng lập Bitcoin bằng cách nộp đơn yêu cầu bản quyền và thương hiệu với sách trắng Bitcoin và code đầu tiên đã khai sinh ra tiền điện tử.
Những lời tuyên bố mới nhất với tiền điện tử hàng đầu này và những lý do khiến mọi người cố gắng tuyên bố quyền sở hữu đối với BTC- tiền điện tử phi tập trung nguồn mở, đã được khám phá.
Những tuyên bố kỳ quặc của Craig Wright
Doanh nhân người Úc Craig Wright từ lâu đã là một nhân vật gây chia rẽ trong cộng đồng tiền điện tử, ông đã tuyên bố là Satoshi Nakamoto kể từ năm 2015 cho đến nay. Số lượng những tuyên bố của ông đã tăng mạnh vào năm 2019, và Wright đã cố gắng hết sức để chứng minh quan điểm của mình, thậm chí kiện cả người ủng hộ Bitcoin Cash Roger Ver và nhà đầu tư tiền điện tử nổi tiếng Peter McCormack vì tội phỉ báng – sau khi họ lên tiếng hỏi về tuyên bố của ông trên các phương tiện truyền thông.
Những nỗ lực mới nhất của Wright nhằm “chứng minh” rằng ông là Satoshi đã đạt đến đỉnh điểm khi những đại diện pháp lý của ông nộp đơn yêu cầu bản quyền với sách trắng Bitcoin cũng như code đầu tiên của giao thức vào ngày 21/05.
Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ đã nhận được bản yêu cầu của Wright, với tư cách là tác giả của sách trắng Bitcoin, nhưng tin tức này đã gặp phải sự chỉ trích nặng nề từ nhiều nhà bình luận và các chuyên gia trong ngành.
Đã có rất nhiều suy đoán về động cơ đằng sau những tuyên bố của Wright. Tuy nhiên, không có cách nào hạ thấp mối liên kết của ông với Bitcoin SV (Satoshi’s Vision). Wright là người sáng lập nChain, công ty phát triển Bitcoin SV – và nó đã chứng kiến sự tăng giá rất lớn trong tuần mà Wright đã nộp đơn tuyên bố bản quyền của mình.
Như David Gerard, tác giả của tiền điện tử đã nói vào tuần trước rằng tuyên bố của Wright chẳng có ý nghĩa gì hơn cả. Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ không kiểm tra tính hợp lệ của bất kỳ tuyên bố hoặc khiếu nại nào thực hiện đối với bản quyền.
Theo thông cáo báo chí chính thức sau tuyên bố của Wright, Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ về cơ bản thừa nhận rằng họ không kiểm tra bất kỳ điều gì trong thực tế, họ chỉ chấp nhận tuyên bố về tính hợp lệ của tài liệu hỗ trợ. Thông cáo báo chí cho biết:
“Theo nguyên tắc chung, khi Văn phòng Bản quyền nhận được đơn yêu cầu, nguyên đơn phải đảm bảo sự chính xác của các tuyên bố trong tài liệu đã gửi. Văn phòng Bản quyền không điều tra sự thật của bất kỳ tuyên bố nào.”
Hơn nữa, Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ thừa nhận rằng có thể đăng ký nhiều hơn một khiếu nại về bản quyền, hiện đang là trường hợp:
“Một bản đăng ký thể hiện yêu cầu quyền lợi đối với tác phẩm được bảo vệ bởi luật bản quyền, không phải là về sự thật của các yêu cầu trong đó. Nhiều khiếu nại gây bất lợi cũng có thể được đăng ký tại Văn phòng Bản quyền”.
Wei Liu cũng nộp đơn đăng ký
Chỉ vài ngày sau khi yêu cầu bản quyền của Wright được đăng ký tại Hoa Kỳ, một công dân Trung Quốc tên là Wei Liu đã nộp đơn đăng ký bản quyền của mình với sách trắng Bitcoin vào ngày 24/05.
Theo các nguồn tin khác nhau, Liu là CEO hiện tại của công ty nghiên cứu thị trường tiền điện tử Coinsummer. Ông nói rằng ông đã nộp đơn yêu cầu bản quyền của chính mình để chứng minh một điều là, bất kỳ ai cũng có thể yêu cầu bản quyền đối với sách trắng Bitcoin.
Tin tức đã tương đối lan rộng trên phương tiện truyền thông xã hội, khi những người đam mê tiền điện tử tán thành bản chất châm biếm của bản đăng ký bản quyền thứ hai.
Những nỗ lực tiếp theo để xác định thêm thông tin chi tiết về danh tính và nơi ở của Liu, cũng như tính chính xác của các báo cáo khác, không thu về được gì. Điều này cũng làm dấy lên câu hỏi về tính chính xác của các báo cáo khác nhau, với một số tác phẩm cho rằng Liu là đàn ông và những người khác nói rằng công dân Trung Quốc này là phụ nữ, trong khi đó còn có những báo cáo khác nhau về tình hình công việc trước đây và hiện tại của Liu.
Anh trai của Pablo Escobar cũng đã đăng ký nhãn hiệu Bitcoin
Trong một twist thậm chí còn xa lạ với nhiều người, đã có nhiều báo cáo nói rằng một công ty liên kết với gia đình của trùm ma túy Colombia quá cố Pablo Escobar, tại một thời điểm, có đăng ký nhãn hiệu cho Bitcoin.
Theo các tài liệu từ Văn phòng bằng sáng chế và nhãn hiệu của Hoa Kỳ, một công ty có tên Coin Legal Ltd. đã đăng ký nhãn hiệu Bitcoin vào tháng 7 năm 2018. Một cuộc tìm kiếm nhanh của các công ty Vương quốc Anh đã đăng ký trực tuyến cho thấy công ty có một giám đốc duy nhất, Olof Kyros Gustafsson.
Theo hồ sơ Twitter của Gustafsson, người đàn ông quốc tịch Thụy điển này cũng là CEO của Escobar Incorporated. Trong khi các ấn phẩm khác tuyên bố rằng anh trai của Pablo Escobar, thì Roberto de Jesús Escobar Gaviria là người ký tên vào hồ sơ đăng ký nhãn hiệu năm ngoái, các cuộc điều tra của chúng tôi không thể xác minh tính xác thực của những tuyên bố đó.
Trong các chi tiết về công ty Coin Legal chỉ liệt kê Gustafsson là giám đốc duy nhất của công ty – không có đề cập đến Escobar Gaviria. Tuy nhiên, trang web của Escobar Incorporated lại có liệt kê Roberto Escobar là người sáng lập Coin Legal.
Lịch sử của trang web tuyên bố rằng Roberto Escobar đã thành lập công ty cổ phần chung để bảo vệ tài sản và giá trị.
Cần phải lưu ý rằng việc tìm kiếm cơ sở dữ liệu tại Văn phòng bằng sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ cho thấy một số hồ sơ cho nhãn hiệu Bitcoin trong hai năm qua. Với rất nhiều tuyên bố về nhãn hiệu cũng như bản quyền đối với sách trắng và mã Bitcoin, ngày càng khó để xác định bất kỳ bằng chứng nào về quyền sở hữu.
Tính hợp pháp của bản quyền là gì?
Trước hết, điều quan trọng là xác định thẩm quyền mà trong đó yêu cầu bản quyền được đưa ra do các hiệp ước và công ước khác nhau. Bản quyền, nhãn hiệu và bằng sáng chế trong bối cảnh toàn cầu thuộc thẩm quyền của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Tại Hoa Kỳ, luật bản quyền tuân theo đạo luật Lanham Act, còn được gọi là Đạo luật Bản quyền năm 1976, quy định khuôn khổ cho luật bản quyền hiện nay ở quốc gia này.
Trên quốc tế, các tác phẩm sáng tạo được bảo vệ bởi các hiệp ước và công ước quốc tế khác nhau. Luật sư Andrew Rossow chỉ ra một vấn đề cụ thể quan trọng:
“Có một số hiệp ước và công ước quốc tế đã bảo vệ cho các tác phẩm sáng tạo. Công ước Berne là công ước quốc tế quan trọng nhất nhằm bảo vệ bản quyền quốc tế. Công ước nghiêm cấm các quốc gia thành viên áp đặt các thủ tục vào bảo vệ bản quyền, nghĩa là việc thụ hưởng và thực thi bản quyền phải tuân theo dưới bất kỳ hình thức nào ngoại trừ ở nước xuất xứ”.
Một việc cần đặc biệt cân nhắc trong cuộc tranh luận đang diễn ra xung quanh Bitcoin là liệu đăng ký bản quyền có chứng minh rằng một người cụ thể nào đó là chủ sở hữu hoặc người tạo ra Bitcoin hay không. Điều quan trọng ở đây là chú trọng sự khác biệt giữa “đăng ký bản quyền và cấp bản quyền”, Rossow nói thêm và chỉ ra rằng việc nhầm lẫn hai điều này rất phổ biến.
Thứ nhất, theo luật bản quyền của Hoa Kỳ, một cá nhân được cấp quyền bảo vệ bản quyền cho các tác phẩm gốc mà họ là tác giả trong bất kỳ hình thức nào có thể được nhận biết, sao chép hoặc truyền đạt. Rossow cũng giải thích rằng đăng ký bản quyền cung cấp cho chủ sở hữu một tài liệu tham khảo pháp lý để sử dụng:
“Đăng ký (không bắt buộc) cung cấp cho người giữ bản quyền khả năng bảo vệ tác phẩm của họ tại tòa án. Cụ thể, nó cho phép người giữ bản quyền ghi vào hồ sơ – có thể xác minh được ngày và nội dung của tác phẩm được đề cập, để trong trường hợp phát sinh khiếu nại pháp lý, chủ sở hữu bản quyền có thể tạo một bản sao của tác phẩm”.
Trường hợp Liu đăng ký yêu cầu bản quyền thứ hai với sách trắng Bitcoin thì lại là một kịch bản pháp lý đáng quan tâm khác. Yêu cầu về bản quyền có thể dẫn đến trường hợp đồng tác giả nếu hai hoặc nhiều người chịu trách nhiệm tạo ra một phần của tài sản trí tuệ.
Khi cố gắng ghép các lý do cho việc Wright yêu cầu bản quyền Bitcoin, Rossow tin rằng có hai lý do có thể xảy ra: Wright có thể thực sự là đồng tác giả của sách trắng Bitcoin, hoặc ông ta tự nhận là tác giả duy nhất và do đó ông tuyên bố vi phạm tài liệu.
Vì vậy, bản quyền cấp cho chủ sở hữu của nó hai quyền: quyền kinh tế và quyền đạo đức. Quyền kinh tế cho phép chủ sở hữu nhận phần thưởng tài chính từ việc người khác sử dụng các tác phẩm của họ. Trong khi đó, quyền đạo đức mang lại cho các tác giả những phương tiện khác nhau để bảo tồn và bảo vệ mối liên kết với tác phẩm của họ.
Văn phòng Bản quyền không xác nhận các khiếu nại về danh tính
Có lẽ điều đáng nói nhất từ sự thất bại này là việc Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ không kiểm tra xem yêu cầu bản quyền của người nộp đơn có hợp lệ hay không.
Đây là một vấn đề mà Văn phòng Bản quyền phải đối mặt trong thời hiện đại, và những trường hợp như thế này đã làm sáng tỏ sự thiếu sót rõ ràng đó, như Rossow thừa nhận: “Xác định độ chính xác không phải là công việc của Văn phòng bản quyền – đó là nơi của hệ thống pháp lý và tòa án”. Tuy nhiên, Rossow vẫn khẳng định rằng “giá trị của bản quyền không bao giờ mất đi”.
ộng cơ phức tạp đằng sau
Nhìn chung, động cơ của Wright vẫn còn một chút bí ẩn. Một số người đã suy đoán rằng yêu cầu bản quyền là cần thiết để thực hiện một số vụ kiện phỉ báng được đề cập trước đó trong bài viết này.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là nếu Wright đang tìm cách tiếp tục những hành vi tranh tụng, bản quyền đầu tiên cần phải thực hiện ở một quốc gia có đăng ký một hiệp ước quốc tế.
Nhưng điều làm cho vấn đề trở nên kỳ lạ hơn là hai tuyên bố thương hiệu khác đã được đưa ra bởi các bên tương đối xa lạ, họ sẽ có những hành động mà chúng ta không thể chắc chắn.
Việc rất nhiều người có hoàn cảnh khác nhau cố gắng đưa ra yêu cầu đối với bản quyền và nhãn hiệu Bitcoin đã đặt ra rất nhiều câu hỏi còn để ngỏ.
Có phải những người này làm như vậy vì lợi ích cá nhân? Có phải Satoshi đang thực sự cố gắng chứng minh danh tính của mình?
Trong thập kỷ qua, các nhân vật mờ ám đã là một phần của cộng đồng tiền điện tử. Cuộc đua chào bán coin ban đầu vào năm 2017 là một ví dụ điển hình về việc có bao nhiêu người đổ xô đến để lừa đảo các nhà đầu tư nhằm kiếm tiền một cách nhanh chóng.
Những tuyên bố mới nhất có thể chỉ là tuyên bố suông mà thôi. Điều duy nhất chứng minh một tuyên bố thật sự là bằng chứng thuyết phục và không thể phủ nhận. Cho đến thời điểm đó, cộng đồng tiền điện tử sẽ tiếp tục hoài nghi về những tuyên bố như đã nêu trên.
- Satoshi Nakamoto, cha đẻ của Bitcoin có phải là kỹ sư đang trong tù này không?
- 10 người có thể chính là Satoshi Nakamoto
Diệu Anh
Tạp chí Bitcoin/ Cointelegraph