Điều quan trọng bạn cần biết, các kiến thức này hoàn toàn khác với những điều bạn từng biết về Ichimoku. Ichimoku không chỉ xoay quanh 5 đường cơ bản trên đồ thị giá như Tenkan, Kijun, Chikou, Kumo; kiến thức về Ichimoku được xây dựng dựa trên 3 lý thuyết mà mình chia sẻ trong chuỗi bài viết lần này.
Lý thuyết sóng Ichimoku: 3 dạng sóng cơ bản bao gồm:
1. Sóng I.
2. Sóng V.
3. Sóng N.
Gọi là 3 dạng sóng cơ bản nhưng nó cũng giống như lý thuyết số học Ichimoku, mỗi thành phần lại liên đới với các thành phần còn lại. Hình dưới đây sẽ giúp bạn hiểu sự liên quan của 3 dạng sóng:
Nhìn vào hình trên, bạn có thể thấy sóng I là một phần của sóng V, rồi sóng V cũng là thành phần của sóng N. Sóng I chính là sóng đẩy hay sóng điều chỉnh theo thuật ngữ thường dùng của Trader sử dụng price action.
Sóng V là sự kết hợp một sóng đẩy với sóng điều chỉnh, hoặc hai sóng đẩy cùng lúc (sóng đẩy thứ hai đảo chiều sóng đẩy đầu tiên).
Còn sóng N, là sóng phức tạp nhất, bao gồm một sóng điều chỉnh nằm giữa hai sóng đẩy. Sóng N bắt đầu bằng một sóng đẩy, hai sóng còn lại có thể tùy biến nhưng kết thúc phải tạo đỉnh cao hơn hay tạo đáy thấp hơn. Có thể hiểu sóng N là một xu hướng mới hình thành với quy mô nhỏ, vì thế nếu bạn phát hiện sóng N không tạo được đỉnh cao hơn hay đáy thấp hơn thì thị trường đã có sự thay đổi về cấu trúc sóng.
Bạn xem tiếp một ví dụ để hiểu đầy đủ về lý thuyết 3 dạng sóng cơ bản
Chart đã được đánh dấu sẵn các sóng I. Bạn bắt đầu đếm các sóng V, sóng N trên chart như sau: từ bên trái, A-B-C hình thành sóng V; A-B-C-D là sóng N. Nhưng sóng N A-B-C-D có điểm D không cao hơn điểm B, sóng N này đã có sự thay đổi cấu trúc sóng.
Thị trường xuất hiện sóng I D-E, kết hợp các bước sóng cũ bạn lại có sóng N mới B-C-D-E. Chớ có đếm nhầm sóng N là C-D-E-F nhé các bạn vì sóng N phải bắt đầu từ một sóng đẩy. Sau khi tiếp tục hình thành sóng đẩy F-G, bạn thấy có sóng N mới xuất hiện D-E-F-G.
Sóng N vẫn tiếp tục di chuyển theo hướng giảm nhưng đến sóng H-I thì thị trường không tạo đáy thấp hơn được nữa. Câu chuyện lúc này lại giống với sóng A-B-C-D mà ta quan sát ngay từ đầu, tức là thị trường đang có sự thay đổi cấu trúc sóng. Tín hiệu này có thể là đảo chiều, cũng có thể là sideway trong tương lai, nhưng chắc chắn thị trường không thể tiếp tục xu hướng giảm vì đã có sự thay đổi trong cấu trúc của sóng N.
Lý thuyết sóng Ichimoku: áp dụng vào giao dịch thị trường
Sau khi đã nắm chắc kiến thức về lý thuyết sóng, bây giờ bạn có thể kết hợp các kỹ thuật trade để có một phương pháp giao dịch hoàn chỉnh. Điều này thực ra khá dễ vì lý thuyết sóng Ichimoku đã cho bạn ý tưởng cơ bản về xu hướng, bạn chỉ cầm tìm thêm một công cụ nữa để hỗ trợ cho việc tìm điểm vào lệnh hay thoát lệnh. Ví dụ, khi phát hiện sóng N tăng không tạo được đỉnh mới, bạn nên dùng thêm một indicator để xác nhận khả năng đảo chiều giảm, kèm theo một mô hình nến xác nhận điểm vào lệnh là cơ bản đã hoàn thành xong một phương pháp trade đơn giản.
Nếu muốn tăng cấp độ sử dụng Ichimoku, bạn có thể tham khảo dùng kèm với lý thuyết số học Ichimoku mà mình giới thiệu trong bài viết cũ. Phần số học Ichimoku có giới thiệu điểm đảo chiều thị trường thường theo quy luật 9-17-26 chu kỳ, hãy áp dụng số chu kỳ này vào quy luật tính sóng để xác định thời điểm đảo chiều chính xác.
Bây giờ, bạn đừng đọc thêm gì nữa cả, hãy thử rê chuột ngược lên trên, xem lại chart mình vừa gửi rồi áp dụng cả 2 lý thuyết số và lý thuyết sóng Ichimoku xem có chính xác không nhé
SN_Nour
Theo tapchibitcoin.vn/traderviet