Một báo cáo bí mật của Liên hợp quốc cho biết Triều Tiên đã đánh cắp hơn 300 triệu USD tiền điện tử thông qua các cuộc tấn công mạng trong những tháng gần đây để hỗ trợ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo bị cấm.
Báo cáo cho biết “tổng số tài sản kỹ thuật số bị trộm cắp từ năm 2019 đến tháng 11 năm 2020 của nước này trị giá khoảng 316,4 triệu USD”, trích dẫn từ một báo cáo của Liên Hợp Quốc, hãng thông tấn AFP đưa tin.
Các tổ chức tài chính và sàn giao dịch đã bị tấn công để Triều Tiên lấy tiền dành cho việc phát triển hạt nhân và tên lửa, AFP cho biết thêm.
Phần lớn số tiền thu được đến từ hai vụ trộm vào cuối năm ngoái.
Triều Tiên được biết đến là nơi sở hữu một đội quân gồm hàng nghìn hacker được đào tạo bài bản đã tấn công các công ty, tổ chức trên toàn cầu, nhưng chủ yếu là nhắm vào quốc gia thù địch Hàn Quốc.
Triều Tiên đang phải chịu nhiều lệnh trừng phạt quốc tế liên quan đến các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo bị cấm, vốn đã đạt được những tiến bộ nhanh chóng dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Hội nghị thượng đỉnh giữa ông Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội vào tháng 2 năm 2019 đã đổ vỡ khi hai bên không thống nhất được về việc giảm bớt các lệnh trừng phạt từ Mỹ cũng như giảm các hoạt động nghiên cứu hạt nhân của Triều Tiên.
Các cuộc đàm phán hạt nhân đã bị đình trệ kể từ đó, trong khi Triều Tiên đã trình diễn một số tên lửa mới tại các cuộc duyệt binh vào tháng 10 và tháng trước, khi ông Kim cam kết tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình.
Ban hội thẩm của Liên Hợp Quốc cho biết họ đang điều tra một vụ tấn công vào tháng 9 năm 2020 nhằm vào một sàn giao dịch tiền điện tử khiến số tiền điện tử trị giá 281 triệu đô la bị đánh cắp, LHQ dường như đang nói tới sàn Kucoin.
Một cuộc tấn công mạng thứ hai đã lấy đi 23 triệu đô la một tháng sau đó.
“Phân tích sơ bộ, dựa trên các vectơ tấn công và các nỗ lực sau đó để rửa tiền bất hợp pháp cho thấy có mối liên hệ chặt chẽ với Triều Tiên”, báo cáo của LHQ cho biết.
Khả năng chiến tranh mạng của Bình Nhưỡng đã nổi tiếng toàn cầu từ năm 2014 khi nước này bị cáo buộc đột nhập vào Sony Pictures Entertainment để trả thù cho “The Interview”, một bộ phim châm biếm chế giễu nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong Un.
Cuộc tấn công dẫn đến việc đăng tải một số bộ phim chưa phát hành của hãng này cũng như một kho tài liệu mật khổng lồ lên mạng.
Triều Tiên cũng bị quy trách nhiệm cho một vụ tấn công mạng khổng lồ trị giá 81 triệu USD từ Ngân hàng Trung ương Bangladesh, cũng như vụ trộm 60 triệu USD từ Ngân hàng Quốc tế Viễn Đông của Đài Loan.
Các hacker của đất nước bí ấn nhất hành tinh, nơi người dân bị cấm sử dụng điện thoại, internet và đi lại chủ yếu bằng xe đạp này bị cáo buộc đã tăng cường các chiến dịch gây quỹ bằng cách tấn công các sàn giao dịch tiền điện tử khi giá trị của bitcoin và các loại tiền điện tử khác tăng vọt.
Họ trở thành nghi phạm lớn nhất cho cuộc tấn công mạng ransomware toàn cầu nổi tiếng WannaCry năm 2017, lây nhiễm sang khoảng 300.000 máy tính ở 150 quốc gia mã hóa tệp người dùng và yêu cầu chủ sở hữu hàng trăm đô la Bitcoin để lấy lại tài liệu.
Bình Nhưỡng đã bác bỏ cáo buộc, nói rằng họ “không liên quan gì đến các cuộc tấn công mạng”.
- Mỹ cảnh báo sự trỗi dậy của nhóm hacker Triều Tiên BeagleBoyz
- Hacker Triều Tiên đánh cắp hàng tỷ USD tiền điện tử – họ sẽ chuyển chúng bằng tiền mặt ra sao?
Vi Tiểu Bảo
Theo AFP