Bạn đã kinh qua hàng trăm chiến lược giao dịch, đọc hàng tá các cuốn sách về trade coin, tìm được một hệ thống giao dịch ưng ý sau khi backtest vài trăm lần, bạn bỏ vào 1k và bắt đầu có một giấc mơ màu hồng về x2, x3 lợi nhuận với thị trường tiền điện tử.
Sự thật đắng cay là con đường đi tới x2, x3, nhất là khi thị trường đi đang vô cùng khó chịu như hiện tại, lại đầy những chông gai. Và một trong những trở ngại lớn nhất chính là những hiệu ứng tâm lý.
Bẫy tâm lý trong trading (Psychological Traps) là những cách suy nghĩ có thiên hướng, xu hướng nhất định, thường khiến chúng ta mắc sai lầm khi đưa ra quyết định giao dịch.
Điều đáng ngạc nhiên là các bẫy tâm lý này là một cách cơ thể chúng ta phản ứng để bảo vệ bộ não, khi phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực trong trading, như lo lắng, sợ hãi hay tham lam. Những thiên hướng tâm lý này được cơ thể sinh ra để tiết kiệm thời gian và năng lượng.
Dưới đây là 8 bẫy tâm lý phổ biến mà 99% các nhà đầu tư đều mắc phải:
1. Bẫy Neo – Anchoring trap
Khi nhắc từ “neo”, chúng ta nghĩ ngay đến hình ảnh mỏ neo của con tàu mà các thuỷ thủ dùng để cố định chúng khi cập bến. Tương tự như thế, neo trong tâm lý chính là những nhận định hay ấn tượng đầu tiên làm cho tâm trí và cảm xúc chúng ta bị “neo” mà khó có thể ‘thoát’ ra được.
Nếu người ta tin rằng “Bitcoin is King of Crypto” ngay khi bạn vừa chân ướt chân ráo vào thị trường, chắc chắn bạn sẽ đầu tư Bitcoin mà không phải nghĩ ngợi gì thêm. Nhưng thật ra, chúng ta đều biết, tiềm năng của một danh mục đầu tư là khả năng sinh lời của nó. Như vậy, không ai có thể chắc chắn được rằng Bitcoin hay những đồng coin khác sẽ tốt hơn. Đó chính là hiệu ứng của “bẫy” neo.
2. Bẫy Chi Phí Chìm – Sunk Cost trap
Chi phí chìm được hiểu là những chi phí không-lấy-lại-được, chúng được loại ra khi tính toán hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, cảm giác nhìn một khoản tiền “ra đi” trước mắt mình mà không-làm-gì-được là một trải nghiệm không mấy dễ dàng với các nhà đầu tư. Do đó, họ thường có tâm lý “tận dụng” khoản đầu tư đó, thay vì lựa chọn một phương án thay thế khả quan hơn.
Ví dụ như khi bạn quyết định mua Bitcoin, phí giao dịch mà bạn phải trả cho sàn chính là chi phí chìm mà chúng ta đang nhắc tới. Khoản phí này bạn sẽ không thể lấy lại được dù cho khoản đầu tư của bạn lời hay lỗ. Như vậy, nếu khoản đầu tư của bạn vừa “hoàn vốn” sau một đợt dump mạnh của thị trường, bạn sẽ quyết định như thế nào?
Trong trường hợp này, nếu bán đi số coin đó nghĩa là bạn chấp nhận mất khoản chi phí giao dịch. Thông thường, các nhà đầu tư thường không-cam-tâm với kết quả như thế, họ thường giữ coin và đợi đến khi thị trường tăng lại. Nhưng thực tế, mất bao lâu để thị trường lại tăng và liệu thị trường có như bạn dự đoán không đó là cả một vấn đề. Bẫy chi phí chìm lợi-hại như thế đấy!
3. Bẫy Thiên Kiến Xác Nhận – Confirmation trap
Nếu bẫy neo khiến con người có khuynh hướng suy nghĩ theo nhận định hay ấn tượng ban đầu, thì bẫy thiên kiến xác nhận là bẫy tâm lý khiến người ta có khuynh hướng tập trung suy nghĩ vào những thông tin có cùng quan điểm với họ. Dù biết rằng chẳng ai muốn thừa nhận sai lầm của bản thân, tuy nhiên, việc tìm kiếm và chỉ tập trung vào những bằng chứng “có lợi” cho mình vô hình chung làm cho những quyết định của bản thân bị thiên lệch.
Lấy lại ví dụ của bẫy neo về nhận định: “Bitcoin là đồng coin quyền lực nhất”, khi bạn tin vào điều đó, bạn có khuynh hướng tìm kiếm những bằng chứng bổ sung, hỗ trợ cho kết luận đó và không quan tâm đến những quan điểm trái ngược. Trên thực tế, chúng ta đều hiểu rằng “đồng coin quyền lực nhất” chỉ là một khái niệm tương đối mà thôi.
4. Bẫy Mù – Blindness trap
Đã bao giờ bạn “ngán ngẩm” bỏ mặc những khoản đầu tư của mình vì thị trường không theo ý muốn? Hay đã bao giờ bạn theo dõi bảng giá 24/7 dù thị trường không-có-chuyện-gì-xảy-ra? Tất cả những điều trên là biểu hiện của bẫy mù.
Thị trường luôn không theo ý muốn chủ quan của chúng ta, vậy thì việc bạn “mặc xác” những khoản đầu tư hay “mất ăn mất ngủ” để theo dõi chúng thì cũng chẳng thể thay đổi được điều gì cả. Việc chúng ta có thể làm để bảo vệ những khoản đầu tư của mình là tập trung đúng lúc để có những quyết định kịp thời.
Các nhà đầu tư chuyên nghiệp thường tập trung khi thị trường nóng lên, đặc biệt là xung quanh những sự kiện tài chính – kinh tế nóng hổi như cuộc chiến Mỹ – Trung, sự kiện halving, v.v… hoặc dùng công cụ Whale Alert để dự đoán những biến động do cá mập chuyển một số coin lớn.
5. Bẫy Tương Đối – Relativity Trap
Tại sao những cuốn sách làm giàu ngày càng nhiều, người đọc những cuốn sách đó cũng rất nhiều, nhưng số lượng người giàu lại không tăng lên? Đó chính là vấn đề của bẫy tương đối!
Bạn không thể trở thành một Ngô Bảo Châu hay Warren Buffett chỉ vì bạn đọc cuốn sách của họ, hay làm theo cách mà họ đã làm. Đơn giản vì họ có điều kiện, hoàn cảnh, và cả năng lực khác với chúng ta. Bẫy tương đối luôn làm cho người ta có khuynh hướng “đồng bộ” chúng ta với những người khác, và đương nhiên, sự thật thì không phải như thế.
Vì thế, đừng áp đặt suy nghĩ hay cách giải quyết của người khác lên vấn đề của bản thân bạn một cách mù quáng. Và hãy suy nghĩ thật cẩn thận trước khi đưa ra các quyết định cho riêng mình. Ngoài ra, bạn đừng quên kế hoạch dài-hơi là hãy khám phá bản thân để biết mình cần gì, và đâu là thứ phù hợp cho mình nhé!
6. Bẫy Hưng Phấn Thái Quá Irrational Exuberance Trap
Có một sự thật là các bài phân tích kỹ thuật hay hành động giá đều được đúc kết từ những phản ứng của thị trường trong quá khứ. Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu rằng thị trường vận hành theo lòng tin và phản ứng của nhà đầu tư, việc thị trường trở nên ổn định và các nhà đầu tư ngày càng thông minh hơn khiến thị trường trong quá khứ và thị trường hiện tại không giống nhau.
Nếu bạn nắm vững “bài vở”, chắc chắn bạn sẽ tự tin về quyết định đầu tư của mình. Thế nhưng, bong bóng, quá mua, quá bán hay những sự kiện vĩ mô không thể đoán trước vẫn luôn hiện hữu. Vì thế, hãy luôn chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất dù cho bạn tự tin và hưng phấn đến đâu đi chăng nữa!
7. Bẫy Khẳng Định Giả – Pseudo Certainty trap
Chúng ta vẫn thường hiểu rằng lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro, lợi nhuận càng lớn thì rủi ro càng nhiều. Khi đó, mục tiêu tiên quyết của nhà đầu tư là tìm kiếm những danh mục đầu tư “tối ưu” nhất dựa vào “khẩu vị rủi ro” (risk appetite) của nhà đầu tư.
Khi những khoản đầu tư đang có vẻ thuận lợi, tạo ra nhiều lợi nhuận, nhà đầu tư sẽ có khuynh hướng chọn phương án an toàn hơn để bảo vệ những khoản đầu tư của mình. Thế nhưng, nếu danh mục đầu tư đang trong trạng thái thua lỗ, những quyết định của họ sẽ có phần mạo hiểm hơn. Dẫu biết đây là tâm lý cơ bản của con người, nhưng không phải là một quyết định đầu tư sáng suốt!
8. Bẫy Vượt Trội – Superiority trap
Nếu bẫy mù có thể khiến chúng ta “thờ ơ” trước biến động của thị trường, thì bẫy vượt trội cũng có thể làm điều đó. Khác với bẫy mù, đây là bẫy thường xảy ra ở các nhà đầu tư có kinh nghiệm tương đối.
Khi chúng ta tự tin rằng mình đã quá hiểu thị trường, biểu đồ như thế thì chắc chắn tương lai phải như thế. Tuy nhiên, sự thật là thị trường không vận hành theo cách mà chúng ta nghĩ, hay không tuân theo bất kỳ quy tắc nào, mà vận hành theo cách riêng nó.
Bạn hiểu thị trường, tôi tin bạn, nhưng hãy bảo rằng bạn hiểu thị trường khoảng 95 – 98% thôi. Không có gì là tuyệt đối, nhất là thị trường!
Guy Spier đã từng nói: “Đầu tư là cách dễ nhất để bộc lộ những khiếm khuyết về tâm lý của chúng ta”. Vì thế, học cách kiểm soát và quản lý cảm xúc luôn là bài học đầu tiên, nhất là khi bạn quyết định đầu tư.
- Chiến lược ‘carry trade’ fiat-crypto cực kỳ hấp dẫn đối với các trader đang mệt mỏi với lãi suất âm
- Tại sao bạn nên ngừng trade. Tradecoin có phù hợp với bạn