FOMO là gì?
FOMO là ghi tắt của chữ Fear Of Missing Out, hiểu nôm na là sợ bị bỏ rơi, bỏ lỡ. Những người mắc phải hội chứng FOMO này thường có cảm xúc sợ hãi về việc bản thân sẽ bỏ lỡ một thứ gì đó. Cảm giác này ám ảnh người mắc phải rằng những người xung quanh sẽ đạt được thứ gì đó mà mình không được. Từ đó, hội chứng này thôi thúc người mắc phải phải hành động gì đó tại thời điểm thiếu lý trí, dẫn đến quyết định sai lầm, gây ít nhiều hậu quả.
FOMO trong đời sống hàng ngày
Sự phát triển của mạng xã hội khiến hội chứng FOMO trở nên trầm trọng hơn. Những ví dụ tiêu biểu về FOMO như các bạn trẻ liên tục kiểm tra facebook để không bỏ lỡ những thông tin từ bạn bè, từ các ngôi sao phim ảnh, ca nhạc. Việc bỏ lỡ này khiến bạn trẻ không biết được các “tin nóng” để tham gia “tám” cùng bạn bè, mặc dù không phải tin nào cũng quan trọng.
Biểu hiện khác của FOMO như là phải cố gắng mua 1 cái iphone mới trong trào lưu ai cũng mua iphone, mặc dù không sử dụng hết tính năng hoặc các tính năng vẫn như cái iphone hiện tại đang dùng. Bạn sẽ bị FOMO vì bạn sợ ai cũng có iphone mới mà bạn thì không. Thế là hi sinh vài tháng lương cho con iphone mà bạn cũng chỉ dùng để nghe, gọi, nhắn tin và lướt facebook.
Có một thống kê cho thấy tầm 56% số người sử dụng mạng xã hội có mắc phải hội chứng FOMO. Sự phổ biến của nhiều loại mạng xã hội cũng như hàng loạt trang tin tức khiến cho FOMO ngày càng trở nên phổ biến hơn.
FOMO trong lĩnh vực đầu tư, lý giải vì sao Trader dính đỉnh dính đáy
Trader cũng là con người, vì vậy chắc chắn là cũng mắc phải FOMO. FOMO là một hội chứng tâm lý, mà Trader là người phải chịu gánh nặng tâm lý gần như mỗi ngày, vì vậy, FOMO trong giới đầu tư tài chính có thể khá trầm trọng.
Một kênh đầu tư gần đây đang khá hot là Bitcoin. Giá Bitcoin đột nhiên tăng lên gấp vài lần chỉ trong thời gian ngắn. Điều này khiến các Trader hoặc nhà đầu tư chưa kịp mua vào Bitcoin “nháo nhào” nhảy vào mua vì sợ bỏ lỡ một xu hướng tăng mạnh mẽ của Bitcoin trong tương lai.
FOMO từng “giết chết” thị trường tài chính thế giới nhiều lần trong lịch sử. Gần đây nhất là bong bóng dotcom đầu tư vào các công ty internet những năm 2000 tại Mỹ. Lúc đó, ai cũng sợ là mình sẽ bỏ lỡ làn sóng này, thế là nhảy vào mua quyết liệt. Sau khi bong bóng dotcom tan vỡ, nhiều công ty internet quay về giá trị thực bằng không, khiến đa số nhà đầu tư thua lỗ, phá sản.
Hội chứng FOMO ở Việt Nam chúng ta thấy là các làn sóng đầu tư vào chứng khoán năm 2007, vàng năm 2008 – 10, bất động sản cũng tầm 2008 – 10. Cứ sau một làn sóng như vậy, FOMO khiến các nhà đầu tư không am hiểu mà chỉ nhảy vào bởi sợ bỏ lỡ cơ hội bị thua lỗ.
Có một câu nói nổi tiếng trong giới đầu tư là “Khi thị trường tham lam thì đó là lúc nên rời cuộc chơi” vì đó là lúc hội chứng FOMO tác động diện rộng lên thị trường, khiến cho thị trường bị bong bóng.
Áp dụng FOMO để lừa đảo ra sao?
Các tổ chức hay cá nhân sử dụng hội chứng FOMO này như là một cách để lừa đảo. Bọn chúng đưa nạn nhân vào các hội thảo, vẽ ra những công nghệ hoặc kênh đầu tư mới, sau đó cho “chim mồi” chen nhau để mua hàng hoặc tham gia đầu tư. Các nạn nhân do tâm lý yếu, thiếu kiến thức, kinh nghiệm nên lập tức bị FOMO, sợ bị lỡ mất cơ hội ngàn vàng trở thành tỷ phú, thế là vội vàng xuống tiền đầu tư, ngờ đâu đó là cái bẫy.
Tất cả những thứ như hội thảo hoành tráng, khách hàng chen lấn xô đẩy, công nghệ mới…là những thứ để tạo hội chứng FOMO mà thôi.
Chống lại FOMO ra sao?
Rõ ràng đối với chúng ta, nhận ra FOMO đã khó, huống gì chống lại nó. Tuy nhiên, không phải là không có cách. Thử vài cách sau xem sao
1. Tự đặt câu hỏi xem như vậy có thực tế không?
Nếu một kênh đầu tư nào đó đưa ra lãi suất “trên trời” thì anh em nên đặt câu hỏi là nó có thực tế không. Nếu lãi suất tầm gấp đôi ngân hàng là bắt đầu thấy phi thực tế rồi đó.
2. Tìm hiểu dưới góc độ pháp lý
Những người sử dụng FOMO để lửa đảo thường lôi kéo anh em vào những kênh đầu tư chưa được pháp luật thừa nhận hoặc thậm chí là trái pháp luật. Vì vậy, anh em hãy kiểm tra thật kỹ cơ sở pháp lý trước khi xuống tiền.
3. Xem xét tư cách của những người kêu gọi đầu tư
Vì nắm tâm lý FOMO nên bọn lừa đảo thường ăn mặc bóng bẩy, thể hiện sự giàu có, am hiểu, đồng thời hay sáng tác các câu chuyện từ nghèo khó chuyển thành giàu có, nhằm khiến anh em suy nghĩ rằng tại sao họ làm được mà mình không làm được, từ đó thôi thúc bỏ tiền vào đầu tư.
Như anh em thấy, FOMO rất nguy hiểm cho xã hội nói chung và đầu tư tài chính nói riêng. Việc nhận diện và “tự chữa” FOMO là điều cần thiết. Nếu không làm được điêu này, anh em không chỉ thất bại trong đầu tư mà còn trong cuộc sống hàng ngày nữa.
Sưu tầm
SN_Nour
Tạp Chí Bitcoin