Vào ngày 15/12, các trang báo liên tục đưa tin công ty thanh toán tiền điện tử và nhà cung cấp ví tiền FoPay đã mua lại sàn giao dịch AliExchange có trụ sở tại Estonia để lấy 1 triệu token Foin, trị giá khoảng 2,1 tỷ đô la lúc thu mua. Thật vậy, FoPay đã khẳng định điều này tại thông cáo báo chí. Tuy nhiên, cư dân mạng đã tìm thấy dấu vết bất thường trong lịch sử giá Foin, cũng như mạng lưới các mối quan hệ kinh doanh đáng ngờ liên quan đến sự phát triển của coin.
Khoản thanh toán được thực hiện một cách phô trương bởi Tổ chức Foin có trụ sở tại Thụy Sĩ – đơn vị phát triển coin, có 20 triệu Foin trong dự trữ vốn của mình, tương đương hơn 20% tổng nguồn cung coin. Theo thông cáo báo chí, công ty đang lên kế hoạch chi ra một ít token Foin để bồi thường cho các cổ đông AliExchange hiện tại sau khi thanh toán thu mua, trong khi đa phần số dư sẽ được giữ trong AliExchange dưới dạng thanh khoản và chi phí vốn.
Giá Foin tăng đột biến trước và sau khi mua lại
Quan sát kỹ hơn vào diễn biến giá Foin và các hoạt động của công ty, có một số nghi vấn nổi bật. Token ra đời vào cuối tháng 7/2018 với mức giá khoảng 400 đô la và dần dần tăng giá trong suốt năm 2019 cho đến khi tăng mạnh từ 1.492 đô la vào ngày 1/11 lên khoảng 2.574 đô la vào ngày 15/12, khi công ty tiết lộ việc mua lại sàn giao dịch và công bố đình chỉ nhà đầu tư rút tiền.
FoPay rõ ràng đã đình chỉ rút Foin cho đến ngày 31/12/2019 do vụ sáp nhập với AliExchange. Công ty cho biết “dịch vụ rút tiền Foin sẽ tiếp tục vào ngày 1/1/2020. Sẽ không có gia hạn thêm thời gian sau thời hạn cuối này”.
Kể từ khi thông báo đình chỉ rút tiền, giá Foin tiếp tục tăng lên khoảng 3.234 đô la vào thời điểm viết bài, tương ứng gần 70% so với tháng trước.
Các tuyên bố trước đây của công ty cho thấy FoPay tin rằng việc không cho phép các nhà đầu tư thanh lý tài sản của họ ngay lập tức sẽ là chiến lược đầu tư dài hạn, lành mạnh. Trong một AMA vào tháng 4/2018, tổ chức này cho biết:
“Kinh nghiệm trên thị trường tiền điện tử cho chúng ta thấy rằng luôn có một số lượng người bán hoảng loạn nhất định khiến giá giảm. Chúng tôi đã để ý đến vấn đề này và xây dựng chiến lược phù hợp để khắc phục. Những người dùng như vậy không đầu tư vào các khoản đầu tư dài hạn và không muốn nhận được giá trị tốt từ đó, họ đã quan tâm đến lợi nhuận ngắn hạn và dường như không hiểu cách thức đầu tư hoạt động. Đối với tất cả những người tin tưởng vào tiền điện tử, chúng tôi đã chuẩn bị toàn bộ hệ sinh thái để lưu thông và tăng tiền gửi lên nhờ vào quá trình lưu thông này”.
Hơn 90% khối lượng giao dịch Foin tập trung vào sàn giao dịch đã đăng ký tại Estonia P2PB2B.io. Trang web P2PB2B đã được đăng ký với dịch vụ ủy quyền đăng ký tên miền ẩn danh DomainsByProxy có phương châm “Nhận dạng của bạn không phải là chuyện của bất kỳ ai ngoài chúng tôi”.
Sàn giao dịch duy nhất niêm yết Foin là HotBit. Tên miền của sàn giao dịch cũng được đăng ký với DomainsByProxy.
Trên trang web của mình, HotBit tuyên bố sẽ đăng ký ở cả Hồng Kông và Estonia. Tuy nhiên, không thể tìm thấy bất kỳ đăng ký kinh doanh nào của HotBit ở Estonia, mà chỉ tìm thấy đăng ký tại Hồng Kông.
Hơn nữa, Foin giao dịch ở 2 mức giá hoàn toàn khác nhau trên mỗi sàn. Tại thời điểm viết bài, token đang giao dịch với giá 3.234 đô la trên HotBit, trong khi nó đã tăng vọt lên 4.000 đô la trên P2PB2B.
Giá Foin hiện tại | Nguồn : Coinmarketcap
Kết nối với công ty trong danh sách đen
Ban đầu, token Foin được quản lý bởi trang Financial.org hiện không còn tồn tại, được cho là đã đăng ký tại Vương quốc Anh. Theo Cơ quan Quản lý Tài chính, cơ quan giám sát tài chính của Anh, Financial.org đã cung cấp dịch vụ đầu tư mà không có sự cho phép theo quy định.
Cuối cùng, FCA đã đưa Financial.org vào danh sách theo dõi vào tháng 5 năm ngoái và cảnh báo các nhà đầu tư không nên giao dịch với công ty. Vào thời điểm đó, một số nhà đầu tư Foin nói với Reuters rằng Financial.org đã thông báo sẽ đóng tài khoản của họ và lấy 20% tiền nếu họ không tăng khoản đầu tư tối thiểu từ 3.000 đô la lên 10.000 đô la.
Cùng tháng đó, các cơ quan quản lý tài chính tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Malaysia, Singapore, Indonesia và Thái Lan cũng đưa Financial.org vào danh sách cảnh báo các công ty trái phép.
Ngoài ra, trang Foin trên công cụ tổng hợp dữ liệu tiền điện tử CoinMarketCap cũng bị gắn cảnh báo: “Chúng tôi đã nhận được báo cáo rằng Foin có liên kết với Financial.org hiện có tên trong danh sách theo dõi của một số nhà quản lý. Vui lòng cẩn thận và chịu trách nhiệm với bản thân mình”.
Một nhân viên tại Dun & Bradstreet – tập đoàn cung cấp thông tin về tín dụng thương mại cũng như báo cáo về các doanh nghiệp – đã xác nhận rằng chỉ có một công ty trên cơ sở dữ liệu toàn cầu của họ được đăng ký với tên “Financial.org”. Công ty có tên là “Viet Nam Financial.org Investment Company Limited” (Công ty TNHH Đầu tư tài chính Financial.org Việt Nam) và được đăng ký tại Việt Nam theo Mã giấy phép đầu tư 0314733223.
Qua tìm kiếm trên các cơ quan đăng ký kinh doanh của Việt Nam, có thể tìm thấy một pháp nhân tên là “Financial.org”, với số đăng ký trùng khớp với Viet Nam Financial.org Investment Company Limited”:
Trên trang Facebook chính thức Financial.org Vietnam, công ty đã tích cực quảng bá các sản phẩm liên quan đến Foin, bao gồm cả bất động sản Foin và chấp nhận token làm phương tiện thanh toán cho xe hơi sang trọng, cũng như hợp tác với các nhà cung cấp giải pháp thanh toán bằng tiền điện tử. Một người dùng nói rằng Foin là “cách kiếm tiền trong khi ngủ”.
Nhà đầu tư quan tâm chương trình chuyển nhượng
Theo Reuters, vào tháng 6/2018, Financial.org đã đơn phương chuyển đổi các nhà đầu tư có tài khoản bằng đô la thành các token Foin của riêng mình và chặn họ rút tiền, sau đó, họ đã chuyển ví Foin sang cổng khác có tên là foinWalletMigration.com (FWM).
Vào tháng 9/2019, Financial.org đã ngừng hoạt động, theo một thông báo trên trang web, “chúng tôi đã ngừng hoạt động. Hướng dẫn cách nhận (các) token của bạn đã được phân phối vào tháng 8/2019”.
Vào giữa tháng 11, FoPay yêu cầu các nhà đầu tư chuyển token của họ từ FWM sang nền tảng, với mức phí bắt buộc là 8,75 đô la cho mỗi token. Thời hạn rút token Foin vào ngày 2/12/2019.
Công ty tuyên bố “FoPay sẽ không chịu trách nhiệm cho bất kỳ giao dịch chuyển khoản Foin nào từ FWM vì chúng tôi không thể theo dõi mọi khoản thanh toán và chuyển khoản. Vui lòng không đặt câu hỏi cho FoPay liên quan đến FWM vì chúng tôi không thể trả lời thay mặt cho FWM”.
Yêu cầu của công ty đã gây ra phản ứng dữ dội ngay lập tức từ những người nắm giữ Foin, khiến nhiều người dùng nghĩ rằng có lẽ Foin sắp đến lúc diệt vọng. Trên nền tảng đầu tư xã hội Investing.com, có thể dễ dàng bắt gặp nhận xét của các holder token:
“Mọi người đều tức giận vì công ty buộc mọi người phải trả nhiều tiền hơn để rút Foin, trong khi không có gì đảm bảo Foin sẽ có giá tốt khi nó ra mắt vào ngày 3/12”.
“Giá Foin đang tăng liên tục, không rõ ràng, có ai giải thích được không?”
“Các bạn thân mến, đừng đầu tư vào Công ty Foin. Tôi thề là đã hơn 2 năm kể từ khi tôi mua 4500 Foin nhưng không bán được và cuộc sống của tôi đang gặp rắc rối”.
“Ngày 1/1 sắp tới, nếu ban quản lý của Foin vẫn hoãn rút tiền từ FoPay với tư cách là nhà đầu tư, chúng ta phải làm gì để lấy lại tiền?”
“Tại thời điểm đó, tôi không thực sự coi trọng bất kỳ giá trị nào. Foin không được giao dịch tích cực. Chẳng hạn, trong khi tôi đang viết bài đăng này, ở đầu trang diễn đàn hiển thị giá trị hiện tại là 3.192,97 USD, trong khi ví FoPay của tôi hiển thị 2.707,29 USD … vì vậy tôi chỉ chờ đến ngày 15, thông báo bắt đầu giao dịch, và sau đó tất cả chúng ta đều biết giá trị thực của FOIN. Phải chăng là trò cờ bạc thuần túy?”
Một số người dùng bắt đầu nghi ngờ rằng khối lượng của Foin là không có thật và nghi ngờ việc tạo ra ví FoPay. Những người khác dường như tin rằng giá Foin thậm chí sẽ giảm xuống 0 sau ngày 2/12.
Đăng ký với cơ quan quản lý
Theo Bisnode, một nguồn thông tin xếp hạng tín dụng và đăng ký thương mại của Thụy Sĩ, Foin Foundation được thành lập tại nước này vào năm 2019 và đăng ký là một tổ chức phi lợi nhuận ở bang Zug. Foin Foundation cho biết mục đích là hỗ trợ, thúc đẩy nghiên cứu về blockchain, đào tạo nhân tài và khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực blockchain.
Người phát ngôn của Cơ quan giám sát thị trường tài chính Thụy Sĩ (FINMA) cho biết “công ty được đề cập không được FINMA cho phép”.
Foin Foundation cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ câu trả lời nào.
Đơn vị tình báo tài chính Estonia (FIU) đã xác nhận rằng AliExchange có 3 giấy phép kinh doanh hợp lệ ở Estonia: một cho hoạt động như một tổ chức tài chính, một cho phép nó hoạt động như một sàn giao dịch và một cho phép công ty cung cấp ví tiền điện tử. Giấy phép đầu tiên được cấp vào ngày 7/5/2019 trong khi 2 giấy phép còn lại được cấp vào tuần đầu tiên của tháng 11/2019.
FoPay được sở hữu và vận hành bởi công ty “Foins Blockchain Limited Liability Company” có đăng ký tại Ukraine, mã số pháp nhân là 42019553.
Sau khi đăng ký, người sáng lập Foins Blockchain được chỉ định là Dmytro Lunhu sống tại Moldova, trong khi giám đốc là công dân Ukraine Yevhen Petelin. Theo blog chính thức của Foin, CEO của FoPay là Ruslan Salatov.
Đáng ngạc nhiên là trang LinkedIn của Salatov không hề đề cập đến bất kỳ công việc nào liên quan đến Foin, FoPay hoặc các doanh nghiệp có dính líu.
Cho đến thời điểm viết bài, không ai trong số các tổ chức đã trả lời báo chí về mối quan hệ của họ với Financial.org hoặc với nhau.
Thẩm tra các dự án token mới
Trong khi tiền điện tử và tài sản kỹ thuật số đang gia tăng trên toàn cầu thì các vấn đề về gian lận và thực tiễn kinh doanh mờ ám vẫn còn tồn tại. Tiền điện tử đã trở thành điểm nóng cho hoạt động lừa đảo, một phần ‘nhờ’ vào sự thu hút của các quy định và tiêu chuẩn không thống nhất và ẩn danh. Tính đến tháng 8/2019, theo dữ liệu từ công ty phân tích tiền điện tử CextTrace, các nhà đầu tư tiền điện tử trên toàn thế giới đã mất 4,3 tỷ đô la cho nạn lừa đảo.
Các nhà đầu tư ‘lính mới’ cần lưu ý một số dấu hiệu cảnh báo nhất định như lỗi và nghiên cứu xấu về whitepaper của dự án, tuyên bố cường điệu về lợi nhuận và chi tiết ít ỏi liên quan đến nhân viên, phát triển dự án.
- Scammer fund Xmas Promo lừa đảo các nhà đầu tư và âm thầm biến mất
- Các scammer vụ Plustoken đã góp phần vào sự suy thoái của Bitcoin
Minh Anh
Tạp chí Bitcoin | Cointelegraph