Tiền điện tử hoạt động như một loại tài sản vượt qua các khu vực pháp lý. Một trong những trung tâm chính thúc đẩy sự áp dụng và đổi mới là châu Á. Khu vực này đã có những ngày sôi động với Kimchi premium Hàn Quốc và cơ hội kinh doanh chênh lệch giá Bitcoin (BTC). Châu Á đang đóng một vai trò trong việc xác định các con đường phát triển của tiền điện tử và củng cố tương lai của nó.
Theo báo cáo của Chainalysis, trong nửa đầu năm 2021, châu Á là điểm đến của 28% tổng khối lượng giao dịch toàn cầu trị giá 1,16 nghìn tỷ USD. Riêng khu vực Trung và Nam Á đã chứng kiến các giao dịch tiền điện tử tăng 706% so với cùng kỳ năm trước, khiến nơi này trở thành khu vực phát triển nhanh thứ ba trên thế giới.
Năm ngoái, sự phát triển quy định tại Trung Quốc là tin tức nổi bật chiếm sóng khu vực Châu Á. Tuy nhiên, phần còn lại của khu vực cũng “dậy sóng” xung quanh sự rõ ràng về quy định tài sản kỹ thuật số ở Singapore. Tốc độ đổi mới của DeFi ở Đông Nam Á được thúc đẩy mạnh mẽ với việc huy động vốn và đầu tư vào các dự án. Khi các nhà đầu tư trở nên thoải mái hơn và tin tưởng vào các cơ hội kiếm lợi nhuận từ DeFi, thì nhiều tổ chức đầu tư đã sẵn sàng tiếp tục đưa thị trường vào quỹ đạo tăng trưởng trong năm 2022.
Khối lượng giao dịch tiền điện tử tại Trung và Nam Á | Nguồn: Chainalysis
Một hành trình mới, không có Trung Quốc
Lập trường của Trung Quốc về tiền điện tử dựa trên chính sách kiểm soát vốn lâu đời của quốc gia này. Mặc dù tốc độ ban hành các lệnh cấm gần đây khiến nhiều người trong ngành ngạc nhiên, nhưng người chơi đã thích nghi nhanh chóng. Các thợ mỏ đã tái định cư ở Kazakhstan và Hoa Kỳ, bên cạnh đó, các sàn giao dịch và trader đã định cư ở Singapore, Hồng Kông.
Là một loại tài sản phi tập trung, sự phát triển và đổi mới của tiền điện tử không giới hạn ở bất kỳ khu vực tài phán nào. Nguồn vốn đầu tư và nhân tài chảy đến bất cứ nơi nào mà môi trường có sự phát triển, vì vậy những quốc gia hình thành khuôn khổ pháp lý thân thiện với tiền điện tử, khuyến khích sự đổi mới, cùng với các chính sách nhập cư tiến bộ, sẽ là những nơi được hưởng lợi lớn.
Singapore, trung tâm dịch vụ tài chính và quản lý tài sản toàn cầu, là nước tiên phong trong thị trường này, khi tiền điện tử đã được quản lý từ năm 2019 theo luật mới. Tiêu chuẩn cao chắc chắn đã được đặt ra, với nhiều người chơi được cho là đang đấu tranh để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của Cơ quan tiền tệ Singapore.
Mặc dù điều này có thể làm giảm đi sự thân thiện với tiền điện tử của Singapore, nhưng đất nước này vẫn dẫn đầu khi nói đến khuôn khổ quy định tiến bộ, được củng cố bởi môi trường ủng hộ doanh nghiệp, với thuế suất thấp, cơ sở hạ tầng mạnh mẽ và sự ổn định chính trị.
Tổng khối lượng giao dịch tiền điện tử tại Trung và Nam Á – Châu Đại Dương| Nguồn: Chainalysis
Những ngôi sao mới nổi của châu Á
Ngoài Singapore, Thái Lan đã gây tiếng vang với sự tham gia tích cực từ các công ty startup tiền điện tử và các tổ chức tài chính truyền thống. Ngân hàng lớn thứ tư của Thái Lan, Kasikornbank, đã bắt đầu thử nghiệm với DeFi, đồng thời giới thiệu thị trường NFT của riêng mình. Ngân hàng cho vay lâu đời nhất của đất nước, Siam Commercial Bank, cũng đã tham gia cuộc chơi, khi mua lại phần lớn cổ phần của sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số lớn nhất Thái Lan, Bitkub. Trong khi đó, Cơ quan Du lịch Thái Lan thuộc sở hữu nhà nước đang khám phá các token tiện ích, một phần của hệ sinh thái thanh toán không cần tiền mặt.
Với sự quan tâm đến tài sản kỹ thuật số dự kiến sẽ tăng cao trong vài năm tới, ngân hàng trung ương của đất nước đã lên kế hoạch đưa ra các quy tắc toàn diện hơn về loại tài sản này vào đầu năm 2022. Những người chơi muốn tham gia thị trường này cần phải theo dõi chặt chẽ thông tin tư vấn của Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT), sẽ ra mắt trong năm nay, tìm kiếm sự đồng thuận về những hạn chế nhất định xung quanh các hoạt động kinh doanh tiền điện tử. Tương tự như quan điểm của chính phủ Singapore, BOT nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro cho hệ thống, mà không kìm hãm sự phát triển và đổi mới.
Indonesia, với hơn 66% dân số không có tài khoản ngân hàng, là thị trường châu Á thích hợp cho các trường hợp sử dụng mới của tiền điện tử. Khối lượng giao dịch tiền điện tử bùng nổ gấp mười lần, tăng từ gần 4,5 tỷ USD lên khoảng 50 tỷ USD vào tháng 10 năm 2021. Hiện có nhiều trader tiền điện tử hơn các nhà đầu tư cổ phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán Indonesia. Các nhà đầu tư bán lẻ bị thu hút bởi sự dễ dàng tiến hành giao dịch tiền điện tử trong nước, nơi tất cả những gì người dùng cần là một chiếc điện thoại thông minh có khả năng truy cập internet và khoảng $ 0,75.
Nhà chức trách Indonesia đã đã đưa ra những tín hiệu trái ngược nhau, cấm thanh toán tiền điện tử nhưng lại hợp pháp hóa giao dịch, với các kế hoạch triển khai sàn giao dịch tiền điện tử quốc gia. Ngân hàng Trung ương Indonesia cũng đang khám phá đồng Rupiah kỹ thuật số quốc gia để “chiến đấu” chống lại tiền điện tử, với hy vọng rằng người dùng sẽ tìm thấy các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) an toàn hơn và hợp pháp hơn. Là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, các tập đoàn trong nước có thể sẽ tham gia vào sự phát triển của tiền điện tử, thông qua quan hệ đối tác với các công ty lớn trên toàn cầu.
Nguồn vốn đổi mới tăng vọt trong năm 2022
Sự phổ biến tăng vọt của tiền điện tử đã dẫn đến không chỉ các trader bán lẻ mà còn các tổ chức đầu tư, như quỹ đầu cơ và văn phòng gia đình, tham gia khám phá tiềm năng tăng trưởng đầy hứa hẹn của loại tài sản này. Châu Á cũng không phải là ngoại lệ, vì theo báo cáo của Chainlallysis 2021, các nhà đầu tư quy mô lớn đã chiếm một phần đáng kể trong các giao dịch tiền điện tử trong năm qua.
Tỷ trọng khối lượng giao dịch trong khu vực | Nguồn: Chainalysis
Khi đã nhận ra tiềm năng mang lại lợi nhuận cao của thị trường, các nhà quản lý tài sản truyền thống đang tìm kiếm phương pháp tận dụng tốt nhất loại tài sản này, với những người chơi như Fidelity Investments đầu tư mạnh vào nhà điều hành tiền điện tử có trụ sở tại Hồng Kông. Sự quan tâm ngày càng cao của các tổ chức đầu tư cũng đã thúc đẩy nhiều nền tảng quản lý tài sản kỹ thuật số tiến hành đổi mới và đưa ra các sản phẩm phức tạp hơn, phục vụ cho nhiều đối tượng người dùng hơn, với khẩu vị rủi ro đa dạng. Tháng 3 năm ngoái, một quỹ Bitcoin có trụ sở tại Malaysia đã được ra mắt, với tuyên bố là quỹ đầu tiên tại Đông Nam Á cung cấp các sản phẩm tiền điện tử được bảo hiểm cho các tổ chức đầu tư.
Tập đoàn lâu đời tham gia vào thị trường mới
Trong những năm tới, chúng ta có thể mong đợi nhiều khoản đầu tư hơn vào các dự án tiền điện tử tại châu Á, khi các tập đoàn “lâu đời” thiết lập tương lai xung quanh tài sản kỹ thuật số. Châu Á cũng là đại diện cho khu vực đổi mới tiềm năng để phục vụ các nhu cầu chưa được đáp ứng của 290 triệu dân chưa tiếp cận được với hệ thống ngân hàng trong khu vực, nơi các dịch vụ DeFi có thể tăng tốc, chẳng hạn như các dịch vụ dành cho những người chưa tiếp cận được với ngân hàng, thông qua điện thoại thông minh.
Nguồn vốn tăng lên sẽ thúc đẩy nhiều đổi mới hơn, đồng thời tăng cường việc áp dụng tiền điện tử trong một chuỗi các sự kiện diễn ra ra trên khắp Châu Á.
Tham gia Telegram của Tạp Chí Bitcoin để theo dõi tin tức và bình luận về bài viết này: https://t.me/tapchibitcoinvn
- “Chỉ báo đảo chiều thị trường” nhấp nháy tín hiệu tăng giá lần đầu tiên kể từ tháng 11
- 5 cách để tồn tại trong thị trường gấu tiền điện tử
- Web3 trỗi dậy: Token Metaverse tăng mạnh khi giá cổ phiếu của Meta lao dốc
Việt Cường
Theo Cointelegraph