Ban đầu, sự xuất hiện của SushiSwap đã làm dấy lên làn sóng gây tranh cãi dữ dội vì nó là một fork của Uniswap. Khoảng nửa năm sau, dự án trở thành một trong 10 giao thức DeFi hàng đầu và là sàn giao dịch phi tập trung lớn thứ hai trong mạng Ethereum, cạnh tranh trực tiếp với “người anh cả” Uniswap.
SushiSwap là nền tảng kết hợp các công cụ tài chính phi tập trung (DeFi) khác nhau. Ban đầu nó được ra mắt như một sàn giao dịch phi tập trung. Thay vì sử dụng sổ lệnh cổ điển, nền tảng hoạt động nhờ vào trình tạo lập thị trường tự động (AMM).
SushiSwap có token gốc SUSHI cung cấp quyền quản trị phát triển của nền tảng cho những người nắm giữ. Ngoài ra, chủ sở hữu SUSHI có thể gửi token của họ vào staking và LP. Đổi lại, họ nhận phần thưởng với lợi nhuận thu từ tiền hoa hồng được tính cho mỗi giao dịch.
SushiSwap sử dụng một số oracle phi tập trung để báo cáo giá cả, bao gồm SushiSwap TWAP, Open Price Power Oracle của Compound và các oracle do Chainlink tạo ra.
Nguồn gốc danh xưng “ma cà rồng”
SushiSwap xuất hiện trong đợt cường điệu rầm rộ vào mùa hè DeFi năm 2020 dưới dạng một fork của Uniswap. Uniswap là sàn giao dịch phi tập trung lớn nhất trong hệ sinh thái và cũng phổ biến nhất.
Dự án do một kỹ sư ẩn danh có tên Chef Nomi sáng lập cùng với 0xMaki, nhà phát triển lõi, người hiện đang là lãnh đạo dự án. Cả hai đều đến từ Nhật Bản.
Để thêm thanh khoản ban đầu cho nền tảng, một kế hoạch “mưu trí” đã được đưa ra nhưng cũng gây tranh cãi không kém.
Kế hoạch này được gọi là “tấn công ma cà rồng” hay “khai thác ma cà rồng”. Tên gọi này có nguồn gốc từ việc thanh khoản ban đầu không được thu hút một cách tự nhiên mà là hút cạn, hay đánh cắp thanh khoản từ một nền tảng khác lớn hơn.
SushiSwap khuyến khích các nhà cung cấp thanh khoản (LP) của Uniswap chuyển sang nền tảng của mình bằng cách sử dụng token SUSHI làm phần thưởng bổ sung, cái mà sau đó chúng ta gọi là farming.
Có rất nhiều nhà cung cấp thanh khoản của Uniswap đã chạy sang SushiSwap để kiếm được lợi nhuận nhiều hơn.
Trong 2 tuần đầu tiên, các nhà cung cấp thanh khoản đã kiếm được 1.000 token SUSHI cho mỗi block. Khi khoảng 1 tỷ đô la LP đã được stake, team SushiSwap bắt đầu cuộc tấn công ma cà rồng của họ.
Vào ngày 9/9/2020, nhờ tất cả các LP Uniswap được gửi vào SushiSwap, nhóm đã chuyển tổng cộng 840 triệu đô la thanh khoản từ Uniswap sang SushiSwap.
Chủ đề Hot nhất trong mùa hè DeFi
Nhưng chỉ 2 tuần sau, giao thức đã gặp phải rắc rối lớn, nó không đến từ Uniswap hay từ đối thủ cạnh tranh, mà nó đến từ chính nhà sáng lập.
Với việc bất ngờ được sàn Binance niêm yết, thì giá SUSHI tăng vọt hàng trăm phần trăm để đạt mức cao nhất mọi thời đại sau đó ít ngày, người sáng lập Chef Nomi đột nhiên “trở mặt” và bán tất cả SUSHI trong quỹ phát triển mà mình đang quản lý (không phải tiền của anh ta, tiền quỹ phát triển).
Số token đó trị giá khoảng 14 triệu đô la. Điều này đã làm cho giá SUSHI lao dốc, mất gần 50% trong ít giờ đồng hồ.
Vào thời điểm đó, 10% số SUSHI đúc ra sẽ được phân bổ cho quỹ phát triển của nền tảng và Chef Nomi là người duy nhất kiểm soát quỹ này.
Không chế ngự được lòng tham, anh ta đã thực hiện một cuộc “exit scam”, swap tất cả SUSHI sang ETH, với lý do giúp nền tảng phi tập trung như cách mà Charlie Lee đã bán tất cả Litecoin (LTC) lúc nó đạt ATH $360 năm 2018.
Nhưng điều này không chỉ làm cho giá token giảm mạnh mà còn khiến toàn bộ cộng đồng DeFi nổi giận và truy sát Chef Nomi.
Sau những lời ngụy biện có phần trẻ con, Chef Nomi cuối cùng bị ép phải hoàn trả toàn bộ số ETH và rời khỏi dự án vĩnh viễn.
Trước khi rời đi, Chef Nomi đã buộc phải chuyển giao quyền kiểm soát dự án cho Sam Bankman-Fried, CEO của sàn giao dịch FTX và quỹ Alameda Research.
Sau khi nhận khóa riêng, Sam đã chuyển quyền kiểm soát khóa cá nhân của quản trị viên sang ví đa chữ ký (multi-sig) do 9 người được cộng đồng lựa chọn quản lý.
Nguồn: Twitter
“Tôi muốn gửi lời xin lỗi đến tất cả những người mà tôi đã gây ra rắc rối cho họ. Tôi hành động theo cảm xúc, tôi tham lam, tôi sợ hãi. Tôi đã đưa ra những quyết định gây tranh cãi tồi tệ do áp lực. Và nó làm tổn thương tất cả mọi người. Tôi đã không thể đáp ứng được mong đợi của bạn và tôi xin lỗi”.
Vài ngày sau khi bàn giao, Chef Nomi đã quay trở lại, mua đúng số lượng SUSHI mà anh ta đã bán, trả lại cho quỹ phát triển và xin lỗi cộng đồng.
Nhưng anh cũng không quên ngỏ lời xin các nhà đầu tư hảo tâm cho anh ít tiền “nghỉ hưu non”.
Nhưng sau FUD đó, không có ai muốn đụng vào giao thức trong nhiều tháng vì tiếng xấu đã bị lan truyền rộng rãi khắp cộng đồng. Đến cả Changpeng Zhao cũng bị ném đá chỉ vì niêm yết SUSHI, họ cáo buộc sàn Binance đồng lõa, tạo cơ hội cho Chef Nomi exit scam.
Nguồn: Twitter
“Những gì bạn đã làm là tham lam và không trung thực, mọi người đều đồng ý về điều đó. Nhưng biết nhìn nhận lỗi lầm và xin lỗi trong khi trả lại mọi thứ là điều rất đáng ngưỡng mộ. Cảm ơn bạn”. Nhà phát triển TinyRak an ủi Chef Nomi.
Token SUSHI
SushiSwap đã đưa thêm một số tính năng mà Uniswap còn thiếu vào thời điểm đó. Đầu tiên và quan trọng nhất là token SUSHI. Đáng chú ý, chỉ vài ngày sau khi bị tấn công ma cà rồng, Uniswap đã tung ra token UNI của riêng mình với một cách còn bất ngờ hơn, đó là tặng cho tất cả những người đã sử dụng nền tảng 400 UNI, trị giá hơn 8.000 đô la tại thời điểm viết bài.
Về việc này, những người được Uniswap “phả tiền vào mặt” nên nói lời cảm ơn SushiSwap.
Token SUSHI đại diện cho giá trị của nền tảng. Ngoài ra, nó cũng cung cấp khả năng tham gia vào việc quản trị dự án. Theo cách này, nền tảng là một dự án của cộng đồng.
SushiSwap cho phép người dùng mua và bán các loại tiền điện tử khác nhau. Đối với mỗi swap được thực hiện giữa hai token, nền tảng tính phí hoa hồng 0,3%. Trong đó, 0,25% thuộc về các nhà cung cấp thanh khoản; 0,05% còn lại được chuyển đổi thành SUSHI và phân phối cho những người dùng có token SUSHI.
Sushi Bar
Token SUSHI hoạt động như một cơ chế phân phối lợi nhuận của giao thức cho những người đã đặt cược vào sự thành công của nền tảng.
Người dùng sở hữu SUSHI và muốn nhận một phần hoa hồng được tạo ra từ các giao dịch trong nền tảng phải gửi token của họ vào “Sushi Bar”. Phần thưởng sẽ tỷ lệ thuận với số lượng token SUSHI được staking.
SushiSwap sẽ sử dụng lợi nhuận từ 0,05% phí giao dịch để mua lại SUSHI trên thị trường và sau đó trả cho người đóng góp.
Điều này vô hình chung tạo ra áp lực mua trên thị trường và duy trì giá SUSHI tăng trưởng.
Lượng phát hành tối đa là 250 triệu token và dự kiến sẽ đạt được mức này vào tháng 11/2023.
Các mảnh ghép bổ sung
Ấn tượng về SushiSwap là luôn không ngừng phát triển và đổi mới.
Mặc dù bắt đầu như một DEX nhưng hiện nay nền tảng đã được tích hợp các phần khác nhau. Bao gồm nền tảng tiền gửi và cho vay, launchpad (IDO) cho các dự án mới và một loạt các hoạt động yield farming (canh tác lợi nhuận).
Onsen
Onsen là hệ thống phần thưởng cho người dùng vì đã cung cấp các token mới có tính thanh khoản. Các token được chọn để có trong menu Onsen nhận được phần thưởng token SUSHI cụ thể trên mỗi block nhằm khuyến khích cung cấp thanh khoản.
Lợi ích của việc xuất hiện trong menu Onsen là các dự án không cần khuyến khích cộng đồng cung cấp thanh khoản bằng token của riêng họ vì SUSHI sẽ làm điều đó.
Để nhận phần thưởng SUSHI, người dùng phải gửi các token nhận được nhằm cung cấp thanh khoản cho các cặp token nhất định (token SUSHI LP) trong menu Onsen. Những phần thưởng này giúp tăng thanh khoản bằng các loại tiền tệ mới, giảm trượt giá và thu hút nhiều người dùng hơn, tạo cơ hội có được giá tốt nhất.
Điều này làm tăng khối lượng hoạt động trên SushiSwap. Khối lượng hoạt động tăng sẽ tăng phí hoa hồng trên mỗi giao dịch và do đó, tăng lợi nhuận cho những người nắm giữ SUSHI đã gửi token vào Sushi Bar.
Toàn bộ hệ thống này cũng tạo ra mối quan hệ hiệp đồng tác chiến với các dự án khác trong DeFi. Onsen có giới hạn đối với các dự án dựa trên vốn hóa thị trường của chúng.
BentoBox
BentoBox là một quỹ token tạo ra lợi nhuận cho các nhà cung cấp thanh khoản. Không giống như Onsen, thanh khoản này không được sử dụng để giao dịch giữa các cặp token.
Thay vào đó, BentoBox sử dụng chúng để thực hiện các khoản vay và trong các chiến lược tạo lợi nhuận khác nhau đã được cộng đồng chấp thuận trước đó.
Người dùng gửi token trong BentoBox nhận được phần trăm lợi nhuận hàng năm. Và quy mô có thể được mở rộng mà không cần nhiều nỗ lực.
Không giống như các giao thức khác, BentoBox tạo ra nguồn thanh khoản mà bất kỳ người dùng nào cũng có thể truy cập với sự chấp thuận tối thiểu, mức sử dụng gas tối thiểu và hiệu quả sử dụng vốn tối đa.
Thiết kế dễ mở rộng này cho phép nó đóng vai trò là cơ sở hạ tầng trong tương lai cho các giao thức DeFi sắp ra mắt trên SushiSwap. Trong đó, giao thức đầu tiên là Kashi.
Kashi
Kashi là một nền tảng giao dịch và cho vay kiêm giao dịch margin được xây dựng trên BentoBox. Nó cho phép mọi người tạo ra thị trường được cá nhân hóa, tiết kiệm gas để cho vay, vay nhiều loại token DeFi, stablecoin và tài sản tổng hợp.
Không giống như các thị trường tiền DeFi truyền thống, chẳng hạn như Aave – nơi tài sản rủi ro cao có thể mang lại rủi ro trong suốt giao thức, tại Kashi, mỗi thị trường hoàn toàn tách biệt với phần còn lại. Điều này có nghĩa là rủi ro của tài sản trong một thị trường cho vay không ảnh hưởng đến các thị trường khác.
Các nền tảng cho vay thường cho phép người dùng thêm thanh khoản vào hệ thống dựa trên pool. Trong các hệ thống này, nếu một trong những tài sản được sử dụng làm tài sản thế chấp cho khoản vay giảm giá nhanh đến mức người sử dụng khoản vay không kịp phản ứng, tất cả người dùng và tất cả tài sản sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Theo nghĩa này, tổng rủi ro của các nền tảng có pool phần lớn được xác định bởi tài sản rủi ro nhất mà bạn sử dụng trên nền tảng.
Rủi ro này tăng lên khi mỗi tài sản bổ sung được thêm vào, dẫn đến tình trạng hạn chế lựa chọn tài sản trên hầu hết các nền tảng.
Thiết kế độc đáo của Kashi đã tạo ra một kiểu cho vay và vay mới.
Miso
Miso là một tập hợp các hợp đồng thông minh mã nguồn mở. Nó tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình IDO dự án mới trên SushiSwap.
Mục tiêu của Miso là mang lại nguồn vốn mới và hoạt động kinh doanh mới cho nền tảng của mình bằng cách tăng sức hấp dẫn của SushiSwap.
Miso sẽ là nền tảng IDO cho những người sáng lập các dự án mới, cho phép cộng đồng và dự án truy cập vào tất cả các lựa chọn họ cần để khởi chạy token. Bao gồm các công cụ để phân phối token, tạo quỹ gửi tiền, cơ chế canh tác.
Sushiswap hay Uniswap? Cuộc thảo luận muôn thuở
Nhìn chung, SushiSwap và Uniswap có cơ sở rất giống nhau. Xét cho cùng, SushiSwap hoạt động dựa trên mã nguồn của Uniswap.
Tuy nhiên, không giống như Uniswap, team SushiSwap linh hoạt hơn và tập trung hơn vào sự đổi mới. SushiSwap hoạt động như một “tổ chức mở”, có nghĩa là bất kỳ nhà phát triển nào từ mọi nơi trên thế giới đều có thể tham gia team.
Uniswap có khoản đầu tư ban đầu của các quỹ có uy tín như Andreessen Horowitz hoặc Paradigm Venture Capital. Điều này mang lại cho nó không khí “truyền thống” hơn nhiều.
Mặt khác, quá trình phát triển của SushiSwap lớn và nhanh hơn Uniswap rất nhiều.
Cho đến hiện nay, điều duy nhất mà Uniswap cung cấp cho người dùng là trao đổi token và khả năng cung cấp thanh khoản cho các giao dịch phi tập trung.
Trong khi đó, SushiSwap có các công cụ khác chứ không chỉ trao đổi token. Nó hiện là một sàn giao dịch đa chuỗi phi tập trung. Điều này có nghĩa là nền tảng có thể hoạt động với các blockchain khác ngoài Ethereum, như Polkadot, Solana, BSC, Polygon và Fantom.
Ngoài ra, SushiSwap đã thông báo về việc triển khai giải pháp layer 2 mới sắp tới với Optimistic rollups của Arbitrum.
Tóm lại, SushiSwap là fork của Uniswap. Do đó, nó mang tính thử nghiệm hơn, cởi mở hơn và linh hoạt hơn, trong khi Uniswap vẫn giới hạn trong nền tảng truyền thống, nghiêm túc hơn và team của nó có tổ chức hơn.
- Đây là những gì bạn đang bỏ lỡ với ALGO, CRV, SNX và SUSHI
- SushiSwap tích hợp với giao thức Harmony
- Đồng euro kỹ thuật số: Thứ mà Châu Âu không thể để xảy ra sai sót
Đình Đình
Theo Beincrypto